Một Đời Như Kẻ Tìm Đường - Phan Văn Trường
Sách mới được nhà xuất bản Trẻ xuất bản lần đầu tiên vào tháng 1 năm 2019. Tác giả, giáo sư, kỹ sư Phan Văn Trường năm nay đã hơn 70 tuổi. Năm 17 tuổi, bác qua Pháp du học và đã bôn ba gần bốn chục năm tại nước ngoài, đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như cố vấn của chính phủ Pháp về thương mại quốc tế cũng như các vị trí lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn lớn trên thế giới trước khi trở về Việt Nam đóng góp cho nền giáo dục nước nhà.
Cuốn sách này là món quà của bác viết tặng cho thế hệ trẻ Việt Nam, những người sẽ là chủ nhân tương lai của đất nước trong vài chục năm tới, đáp ứng nguyện vọng của rất nhiều bạn trẻ về đề tài luôn mang tính thời sự: hướng đi cho tương lai. Cuốn sách chia sẻ những trải nghiệm cá nhân của bác Trường với góc nhìn của một người được cho "thành công" theo chuẩn của xã hội ở độ tuổi xế chiều về cuộc sống, về những lựa chọn trong cuộc đời, về quan điểm về thành công và hạnh phúc. Tuy là một quyển sách về triết lý sống nhưng cuốn sách này không hề giáo điều, lý thuyết suông mà rất sâu sắc, thực tế và gần gũi.
Bằng giọng văn nhẹ nhàng, nội dung trong sách được dẫn dắt từ câu chuyện chàng thanh niên trẻ bước chân lên đất Pháp với đầy bỡ ngỡ, gặp phải những khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi cho đến cuốn sách định mệnh tác giả được đọc từ bé, quyển sách mà đã gieo mầm cho sự tử tế, chân thành và đạo đức trở thành kim chỉ nam suốt đời của tác giả, cho đến tích xưa Từ Thức đi tìm cõi tiên, để rồi "khám phá ra rằng cõi nào cũng thế, hạnh phúc không ở cảnh ngoài" mà phải đến từ chính bên trong chúng ta. Bác Trường cũng chia sẻ về những cuộc gặp lý thú với những con người có tầm vóc vĩ đại trong suốt cuộc đời bác, để rồi từ đó mỗi người đọc có thể rút ra những bài học hay cho riêng mình.
Với độ dày tương đối, sách đề cập đến những khía cạnh quan trọng nhất của cuộc sống, những điều mà hầu hết ai cũng quan tâm như chuyện chọn nghề, chọn nghiệp, chuyện tình yêu, tình cảm và hạnh phúc gia đình, về thành công và thất bại, về kinh doanh, về khởi nghiệp, về nắm bắt cơ hội, về tuổi tác và sự già đi. Đặc biệt, có lẽ chương gần cuối, chương 19 là chương hay nhất của cuốn sách, đó là chương "Kính chiếu hậu": nhìn lại những lỗi lầm và những giá trị mình đã tạo ra. Thật thú vị khi đọc chiêm nghiệm của một "ông già" 70 tuổi nhìn lại mình những năm 65, 60, 50 tuổi rồi 40, 30, cứ mỗi giai đoạn qua ta lại thấy sao mình trong quá khứ thật ngây ngô, vội vã và khờ khạo, những giá trị mình cho là đúng ở tuổi 40 lại không có ý nghĩa gì nhiều ở tuổi 70. Qua chia sẻ của bác, đâu đó người đọc thấy được năm tháng trôi qua chúng ta dần trở nên trưởng thành, trầm tĩnh và dần hiểu rõ được điều gì mới là quan trọng nhất đối với bản thân mình: "Cả một cuộc đời tìm đường để rồi mãi về lúc xế chiều tôi mới khám phá ra rằng chẳng có đường để tìm. Làm gì cũng được, đi đâu cũng đặng, thực hiện gì cũng thành công nếu mỗi chúng ta không quên mình là một thành phần của xã hội, đóng góp nhiều thì xã hội sẽ cho lại chúng ta nhiều. Và "nhiều" không có nghĩa là số lượng, mà là tình cảm đậm đà, giá trị bền vững."
Cám ơn bác đã tặng cho thế hệ trẻ một quyển sách thật hay!
Comments
Post a Comment